Kết quả Trận Manila (1945)

Trong thời gian còn lại của tháng lực lượng Mỹ và quân du kích Philippines càn quét các vị trí kháng cự còn lại của quân Nhật khắp thành phố. Với việc làm chủ được Intramuros từ ngày 4 tháng 3, Manila đã chính thức được giải phóng, nhưng với một tình trạng đổ nát, tàn phá nặng nề.Trận chiến đã gây tổn thất 3.010 lính Mỹ chết và 7.565 bị thương. Ước tính khoảng 100.000 dân thường Philippines bị giết một cách có chủ ý từ cả hai phí quân Nhật và hỏa lực từ pháo binh và oanh tạc bằng máy bay của quân Mỹ. Khoảng 12.000 lính Nhật chết phần lớn là từ Lực lượng Phòng thủ Manila.

Trong trận đánh kéo dài suốt một tháng này, những cuộc đụng độ giữa lực lượng Mỹ và Nhật đã tàn phá cả thành phố Manila hơn cả một cuộc không kích thực hiện bởi Luftwaffe gây ra cho Luân Đôn[cần dẫn nguồn], hậu quả của nó là phá hủy nặng nề cơ sở hạ tầng của thành phố và khiến con số người chết có thể so sánh với Trận ném bom Tokyo hay Vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.

Sự phá hủy thành phố

Trận Manila là trận đánh ở thành thị đầu tiên và ác liệt nhất ở chiến trường Thái Bình Dương, từ thời điểm MacArthur bắt đầu chiến dịch nhảy cóc của ông từ New Guinea vào năm 1942, dẫn đến cuộc đổ bộ lên Nhật Bản vào năm 1945. Chỉ có vài trận đánh kéo dài trong thời gian vài tháng thuộc Thế chiến II vượt quá mức độ tàn phá và thảm khốc ở Manila.

Bục dựng cột cờ bằng thép tại lối vào thuộc tòa nhà cũ của Lãnh sự quán Hoa Kỳ nằm ở Intramuros, bị vô số mảnh đạn găm vào và vẫn còn lại cho tới ngày nay, là một chứng cứ cho cuộc chiến khốc liệt, dữ dội trong thành phố. Trong biên niên sử, Manila đã cùng với Stalingrad là một trong những nơi diễn ra các trận đánh đô thị ác liệt nhất trong Thế chiến II.

Về phía người Philippines thì họ cũng đã mất đi rất nhiều kho tàng văn hóa và lịch sử trong trận chiến tại Manila, được biết đến như một chương buồn trong lịch sử dân tộc. Vô số các tòa nhà chính phủ, đại học và trường đại học, nhà tu, tu viện và nhà thờ, và kèm theo đó là chứng tích ghi lại sự thành lập của thành phố đã bị biến thành đống đổ nát. Các di sản văn hóa (bao gồm nghệ thuật, văn học và đặc biệt là kiến trúc) nơi giao lưu các nền văn hóa của phương Đông và chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây Ban Nha, Hoa Kỳ biến mất. Manila, đã một lần là nơi được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" bởi sự giao thoa của lối sống phương Đông và Âu châu đã bị quét sạch.

Phần lớn các tòa nhà bị hư hại trong chiến tranh đã bị "Quốc hội" phá hủy sau trận giải phóng, như là một phần của công việc tái thiết Manila, thay thế kiến trúc Âu châu trong thời kỳ thuộc địa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ trước đây, thay thế bằng phong cách kiến trúc Hoa Kỳ hiện đại. Chỉ có vài tòa nhà vẫn còn nguyên vẹn.

Kỷ niệm trận chiến

Ngày 18 tháng 2 năm 1995, Đài Tự do cũng được biết đến với cái tên Tượng đài tưởng niệm Manila Monument được dựng nên để tưởng nhớ các nạn nhân của trận chiến. Tượng đại tọa lạc tạt Plaza de Santa Isabel, cũng được biết đến với cái tên Plaza Sinampalukan, nằm ở góc đường General Luna và Anda Streets tại Intramuros, Manila. Tại đây có dòng chữ:

"Tượng đài này để tưởng nhớ tất cả nạn nhân vô tội của chiến tranh, nhiều người trong số họ đã ra đi trong lãng quên và an nghỉ trong một ngôi mộ chung, hay thậm chí là hoàn toàn không biết về ngôi mộ của họ, thân thể của họ đã bị thiêu rụi bởi ngọn lửa hay bị chôn vùi trong đống đổ nát của thành phố và không bao giờ được tìm thấy."

"Hãy để bia mộ bằng phiến đá này dành cho mỗi một người trong số 100.000 đàn ông, phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh bị giết ở Manila trong suốt trận chiến giải phóng trong khoảng thời gian, 3 tháng 2 - 3 tháng 3 năm 1945. Chúng tôi đã và sẽ không bao giờ lãng quên họ."

"Họ có lẽ đã an nghỉ trong hòa bình như là một phần lịch sử hãi hùng của thành phố này: Manila yêu dấu của chúng ta."